Vào đời nhà Đường, bên Trung Hoa, có một nông phu rất tàn ác. Trưa hôm nọ, ông ta ra xem xét công việc ngoài đồng ruộng, thấy con bò của hàng xóm chạy lạc vào đám ruộng của ông. Nó đang gặm lúa và giẫm đạp hoa màu.
Người nông dân vô cùng tức giận, bảo rằng: “Tao làm lụng cực khổ mới có được thóc lúa này, bây giờ mày gặm ăn và phá hoại mùa màng của tao! Mày phải trả một giá đắt cho sự ăn vụng này!”. Ông liền rút dao ra và nói: “Tao không muốn giết chết mày, nhưng vì đã ăn thóc lúa của tao nên tao phải cắt lưỡi của mày bỏ lại đây, để tao coi mày còn dám ăn vụng phá hoại mùa màng của tao nữa không!”.
Con bò nhận biết có lỗi nên nó đã cúi xuống tỏ vẻ ăn năn. Người nông dân nghèo khó vẫn không buông tha, ông đã nắm sừng ghì chặt đầu bò xuống và dùng dao cắt cái luỡi của nó. Con bò vô cùng đau đớn nhưng không thể kêu van gì được.
Về sau, người nông dân tàn ác này đã lập gia đình và có ba đứa con. Nhưng đứa nào cũng bị câm. Ông không hiểu tại sao mấy đứa con ông đều bị câm. Ông đưa đi chữa trị ở nhiều thầy thuốc danh tiếng nhưng không một loại thuốc nào của các vị này có thể chữa lành giúp chúng nói được. Người nông dân liền nhớ lại khoảng mười hai năm trước ông đã cắt lưỡi một con bò đực. Ông ta hiểu rõ nguyên nhân làm sao mà ba đứa con của ông bị câm. Chính do nhân tàn ác ông gây ra đã mang lại quả báo khổ đau cho mấy đứa con trong gia đình ông.
Lời bàn
Trong cuộc sống, dường như mỗi thứ đều có một quy luật riêng của nó. Người ta thường nói, hễ gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Đó là quan niệm theo luật nhân quả của nhà Phật. Mà ngẫm lại điều đó đúng thật, bởi vì từ xưa tới nay không có việc gì vượt ra khỏi luật nhân quả. Vì thế, hễ ta gieo hạt giống thiện thì sẽ gặt được quả thiện, còn hễ ta gieo hạt giống bất thiện thì sẽ bị quả bất thiện chi phối.